UBND THỊ XÃ CHÍ LINH
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số:643/PGDĐT
V/v Hướng dẫn viết sáng kiến
năm học 2013-2014
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Chí Linh, ngày 24 tháng 10 năm 2013
|
Kính gửi: Các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã
Căn cứ Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/03/2012 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ sáng kiến và Thông tư 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/03/2012 của Chính phủ;
Căn cứ vào công văn số 1385/SGDĐT-VP về việc Hướng dẫn viết sáng kiến năm học 2013-2014 ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương;
Phòng Giáo dục và Đào tạo Chí Linh hướng dẫn các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn thị xã về việc viết sáng kiến (SK) như sau:
I. CÔNG TÁC TRIỂN KHAI
Các nhà trường triển khai hướng dẫn viết SK ngay khi nhận công văn này tới từng cán bộ giáo viên và cho đăng ký viết SK năm học 2013-2014, lập danh sách theo mẫu số 4 gửi về phòng GD&ĐT theo thời gian qui định.
Hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm rà soát, xác nhận SK sau khi có ý kiến thống nhất của tổ chuyên môn và gửi về phòng GD&ĐT đề nghị công nhận cấp cơ sở. SK đề nghị công nhận các cấp phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung, hình thức theo văn bản hướng dẫn của Sở, SK phải thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả, khoa học và sư phạm, đồng thời đảm bảo tính pháp lý (SK đề nghị xét phải do chính cán bộ, giáo viên viết, các giải pháp, biện pháp mà tác giả SK đưa ra đã được áp dụng trong thực tế và chưa từng được công bố trên sách, báo hay đã được hội đồng sáng kiến các cấp công nhận).
II. CÁC YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG, HÌNH THỨC TRÌNH BÀY SÁNG KIẾN
1. Phạm vi được công nhận là sáng kiến
Phạm vi được công nhận là sáng kiến gồm giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đáp ứng các điều kiện: Có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; đã được áp dụng hoặc áp dụng thử nghiệm tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực trong quản lý giáo dục, giảng dạy. Cụ thể:
1.1. Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) giáo dục – đào tạo, bao gồm:
a) Sản phẩm cụ thể (ví dụ: dụng cụ, đồ dùng, đồ chơi,… trong dạy học);
b) Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình dự báo, kiểm tra, xử lý,...)
1.2. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có:
a) Phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí đội ngũ, trang, thiết bị, đồ dùng dạy học, tổ chức các hoạt động chuyên môn của giáo viên, các hoạt động giáo dục cho học sinh trong và ngoài nhà trường…)
b) Phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc tại các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục, đào tạo quản lý, chỉ đạo, triển khai các mặt hoạt động trong nhà trường: Quản lý chuyên môn, quản lý chất lượng, quản lý dạy thêm, học thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, triển khai các phong trào thi đua, phong trào chống phát âm lệch chuẩn L/N…; quản lý hoạt động đoàn thể, hoạt động tập thể, ngoài giờ lên lớp,…
1.3. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc lĩnh vực giáo dục & đào tạo hoặc liên quan đến GD&ĐT.
a) Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu);
b) Phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá;
c) Phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện;
d) Phương pháp giảng dạy bộ môn, phương pháp kiểm tra đánh giá, cho điểm học sinh theo yêu cầu đổi mới, phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục; phương pháp chủ nhiệm lớp; xây dựng và tổ chức hoạt động phòng bộ môn, phòng thiết bị và đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm; xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thư viện, cơ sở thực hành…;
1.4. Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn quản lý giáo dục và dạy học.
2. Trình bày sáng kiến
Trình bày SK theo 3 phần: Mở đầu (Đặt vấn đề); Nội dung và Kết luận.
2.1. Phần 1: Mở đầu: Gồm 02 trang A4
Trang 01: Trình bày những thông tin chung về SK, bao gồm:
- Tên SK: Nếu SK liên quan đến giải pháp đã có tên đang được sử dụng phổ biến thì nên lấy ngay tên giải pháp để đặt tên SK. Nếu SK liên quan đến giải pháp lần đầu tiên được tạo ra thì nên đặt theo chức năng của SK được áp dụng trong thực tế.
- Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: Nêu ra được lĩnh vực cụ thể mà SK liên quan đến hoặc lĩnh vực mà sáng kiến được áp dụng.
- Tác giả:
Họ và tên:
Ngày tháng/năm sinh:
Chức vụ, đơn vị công tác, điện thoại:
- Đồng tác giả (nếu có)
Họ và tên;
Ngày tháng/năm sinh;
Chức vụ, đơn vị công tác, điện thoại:
- Chủ đầu tư tạo ra sáng kiến: Tên đơn vị, địa chỉ, điện thoại
- Đơn vị áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có): Tên đơn vị; địa chỉ, điện thoại
- Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến;
- Thời gian áp dụng sáng kiến lần đầu: Nêu mốc thời gian mà sáng kiến được áp dụng lần đầu tiên trong thực tế hoặc áp dụng thử.
Trang 02: Tóm tắt nội dung SK (trình bày ngắn gọn nội dung, ý nghĩa cơ bản nhất của SK - khoảng 15 dòng).
2.2. Phần 2: Mô tả sáng kiến
Mô tả SK ngắn gọn, đầy đủ và rõ ràng các bước thực hiện giải pháp cũng như các điều kiện cần thiết để áp dụng giải pháp.
Thứ nhất, phải chỉ rõ được tính mới, tính sáng tạo của giải pháp đảm bảo tính khoa học, phù hợp với lý luận về giáo dục, phù hợp với chủ trương, chính sách hiện hành về giáo dục và đào tạo của Nhà nước. Nếu là giải pháp cải tiến giải pháp đã biết trước đó tại cơ sở thì cần nêu rõ tình trạng của giải pháp đã biết, phân tích, so sánh đối chiếu trước và sau khi thực hiện các giải pháp, biện pháp để chứng minh, thuyết phục về hiệu quả mà giải pháp khắc phục những nhược điểm của giải pháp đã biết (có thể minh họa bằng sơ đồ, hình vẽ, ảnh chụp mẫu sản phẩm... nếu cần thiết cho việc hiểu được sáng kiến một cách dễ dàng hơn).
Trình bày kết quả thu được sau khi áp dụng SK kết quả định tính và định lượng, trên cơ sở khảo sát, đánh giá khoa học, khách quan; có so sánh, đối chiếu trước và sau khi áp dụng giải pháp SK.
Thứ hai, trình bày về khả năng áp dụng của SK: Nêu rõ về việc giải pháp đã được áp dụng, kể cả áp dụng thử nghiệm trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật tại cơ sở và mang lại lợi ích thiết thực; ngoài ra có thể nêu rõ giải pháp còn có khả năng áp dụng cho những đối tượng, cơ quan, tổ chức nào.
Thứ ba, chỉ ra lợi ích thiết thực của SK. Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến lợi ích có thể thu được do áp dụng giải pháp SK. Đánh giá bằng cách so sánh với những giải pháp tương tự đã biết hoặc so với hiện trạng nếu không áp dụng sáng kiến về khía cạnh lợi ích kinh tế; lợi ích xã hội và môi trường.
- Hiệu quả kinh tế:
+ Nêu rõ những chỉ tiêu kinh tế (có thể lượng hóa được) như các chỉ tiêu tiết kiệm chi phí đầu vào (nguồn nhân lực, thời gian, chi phí nguyên vật liệu), tăng lợi nhuận đầu ra do SK mang lại cao hơn giải pháp đã biết trên cơ sở kết quả thử nghiệm, áp dụng thử SK.
+ Trong trường hợp lợi ích kinh tế không lượng hóa được thì phân tích, đánh giá những lợi thế có thể đạt được giữa việc áp dụng SK vào thực tiễn so với việc không áp dụng.
- Hiệu quả xã hội, môi trường: nêu rõ những nhược điểm đã được khắc phục của những giải pháp đã biết mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, trật tự an ninh xã hội, thuần phong, mỹ tục như: nâng cao điều kiện công tác; cải thiện môi trường giáo dục; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ; tạo điều kiện học tập tích cực cho trẻ em phát triển thể chất và trí tuệ...
2.3. Phần 3: Kết luận
- Khẳng định kết quả mà SK mang lại;
- Khuyến nghị và đề xuất với các cấp quản lý về các vấn đề có liên quan đến áp dụng và phổ biến SK.
Ngoài 3 phần chính trên có thể bổ sung danh mục chữ viết tắt, các phụ lục (các biểu mẫu, danh mục tài liệu tham khảo nếu có) và Mục lục.
3. Hình thức trình bày
Văn bản SK được đánh máy, in đóng quyển (đóng bìa, dán gáy): Soạn thảo trên khổ giấy A4, font chữ Times New Roman, bảng mã Unicode, cỡ chữ 14, dãn dòng đơn; lề trái 3,2 đến 3,5cm; lề phải 2cm; lề trên 2cm, lề dưới 2cm. Không có lỗi chính tả, lỗi cú pháp.
Trang bìa: In trên bìa cứng (không đóng giấy bóng kính, trình bày theo mẫu trang bìa.
Trang số 1: Trình bày theo mẫu số 1
Trang số 2: Trình bày theo mẫu số 2
Bắt đầu mô tả SK từ trang số 3 (không tính trang bìa).
Phần Kết luận được bắt đầu bằng trang mới.
III. QUY TRÌNH, CHẤM, XÉT DUYỆT VÀ CÔNG NHẬN
1. Cấp trường:
1.1. Hiệu trưởng nhà trường có thể thành lập Hội đồng sáng kiến để đánh giá giải pháp được yêu cầu công nhận sáng kiến làm căn cứ quyết định việc công nhận sáng kiến.
1.2. Hội đồng sáng kiến bao gồm những người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến, đại diện của tổ chức công đoàn nơi tác giả là công đoàn viên và các thành phần khác theo quyết định của Hiệu trưởng nhà trường.
1.3. Hội đồng sáng kiến có nhiệm vụ tổ chức đánh giá một cách khách quan, trung thực giải pháp được yêu cầu công nhận sáng kiến theo các điều kiện quy định tại Điều 3 và Điều 4 Điều lệ Sáng kiến và lập báo cáo đánh giá, trong đó phản ánh đầy đủ ý kiến của các thành viên, kết quả biểu quyết của Hội đồng.
2. Cấp cơ sở
Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND thị xã thành lập Hội đồng xét và chấm SK cấp cơ sở (Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch phụ trách văn – xã thị xã, phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là Trưởng phòng GD&ĐT thị xã; giám khảo là những cán bộ, giáo viên đúng chuyên môn, có kinh nghiệm và thành tích cao trong dạy học, công tác, đã từng có SK được công nhận cấp cơ sở trở lên). Việc tổ chức chấm và xét duyệt, công nhận SK đảm bảo khách quan và công bằng, đúng quy định.
3. Cấp ngành
Sau khi có kết quả SK cấp cơ sở, phòng GD&ĐT lựa chọn những SK được công nhận cấp cơ sở gửi lên Sở GD&ĐT đề nghị công nhận cấp ngành. SK được công nhận cấp ngành sẽ do Hội đồng xét duyệt và công nhận SK cấp ngành quyết định (Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở GD&ĐT). Hội đồng cấp ngành sẽ lựa chọn, quyết định những sáng kiến được đề nghị công nhận cấp tỉnh.
4. Cấp tỉnh
Theo Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, SK được công nhận cấp tỉnh phải có tính mới, tính sáng tạo, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và có khả năng áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Hội đồng cấp tỉnh do Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch.
Việc xét công nhận SK thực hiện theo Thông tư 18/2013/TT-BKHCN ngày 01/8/2013.
IV. QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ SÁNG KIẾN
1. Hồ sơ sáng kiến:
- Đối với các nhà trường: Bản in SK và 01 đĩa CD (gồm 02 folder) ghi dữ liệu SK, danh sách SK xếp loại Tốt cấp trường đề nghị công nhận cấp cơ sở trong mỗi danh sách được lập theo thứ tự từng môn (mẫu số 6), Quyết định thành lập Hội đồng xét và công nhận sáng kiến cấp trường; Biên bản hội đồng chấm SK cấp trường (mẫu số 7).
Các trường hoàn thiện hồ sơ SK và gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo (Đ/c Tuyết nhận) và gửi vào địa chỉ Email: thiduapgdcl@gmail.com
Đối với những SK có đĩa minh họa, yêu cầu phải ghi rõ: Có đĩa kèm theo trong danh sách SK của đơn vị để tránh trường hợp đĩa minh họa bị thất lạc.
2. Thời gian
- Danh sách đăng ký viết SK gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo trước ngày 5/11/2013
- SK và danh sách đề nghị công nhận cấp cơ sở gửi về phòng Giáo dục và Đào tạo ngày 5,6/3/2014:
Mọi ý kiến, liên hệ số điện thoại : 0947.655.268.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Website Phòng;
- Lưu VT.
|
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO
TRƯỞNG PHÒNG
(đã kí)
Nguyễn Thị Phượng
|